PECC2 TIẾP TỤC RA MẮT ẤN PHẨM "PHÂN TÍCH VÀ NHẬN ĐỊNH CỦA PECC2 VỀ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM" (ẤN BẢN 2024)

Ấn phẩm “Phân tích và nhận định của PECC2 về triển vọng phát triển năng lượng Việt Nam” là xuất bản phẩm hàng năm của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2), thể hiện góc nhìn và các ý kiến phân tích, nhận định của một công ty tư vấn chuyên ngành năng lượng có bề dày lịch sử phát triển với bốn thập kỷ đồng hành cùng ngành năng lượng Việt Nam.

Các ấn phẩm qua các năm của PECC2 cũng đã đón nhận sự hợp tác biên soạn của nhiều cơ quan, đơn vị như Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), Cục Năng lượng nguyên tử (VAEA) (ấn phẩm 2022); Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) (ấn phẩm 2023); và Công ty TNHH MTV Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) (ấn phẩm 2024).

Các ấn phẩm được phát hành bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, các đối tác trong và ngoài nước của PECC2 và các bên có quan tâm, những nội dung, thông tin cập nhật hữu ích liên quan đến phát triển năng lượng Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng thế giới.

Ấn phẩm năm nay “Phân tích và nhận định của PECC2 về triển vọng phát triển năng lượng Việt Nam - Ấn bản 2024” trình bày bối cảnh chuyển dịch năng lượng thế giới với những kết quả bước đầu nhưng đang đối mặt với nhiều thách thức về tài chính, về lộ trình thực thi cam kết phát thải ròng bằng 0 của các nước và về sự cạnh tranh đối với các khoáng sản quan trọng dùng trong chế tạo các thiết bị năng lượng sạch. Với sự phát triển của năng lượng tái tạo chưa đạt được như kỳ vọng, ấn phẩm có đề cập và nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhiên liệu hóa thạch trong đảm bảo an ninh năng lượng ở nhiều nước trong nhiều năm qua và dự kiến tiếp tục vai trò đó thêm khoảng một thập kỷ tới. Ở phạm vi khu vực, ấn phẩm 2024 trình bày các lĩnh vực, các kết quả đạt được và các định hướng hợp tác theo Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng (APAEC) giai đoạn II – 2021-2025 như: Lưới điện ASEAN, Đường ống dẫn khí xuyên ASEAN, Than và công nghệ than sạch, Bảo tồn và hiệu suất năng lượng, Năng lượng tái tạo, Quy hoạch và chính sách năng lượng khu vực và Năng lượng hạt nhân dân sự.

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng thế giới và hợp tác năng lượng khu vực ASEAN, ấn phẩm 2024 tổng hợp và trình bày tổng quan về thể chế và cơ chế chính sách phát triển năng lượng Việt Nam, về các cơ chế chính sách có thể đúc kết từ các kinh nghiệm quốc tế và khu vực. Ấn phẩm cũng nêu bật các nội dung quan trọng của Luật điện lực sửa đổi 2024 và cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà theo các Nghị định 80/2024/NĐ-CP và 135/2024/NĐ-CP.

Đặc biệt, với sự hợp tác của Công ty TNHH MTV Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO), ấn phẩm 2024 trình bày tổng quan về những thành tựu phát triển của hệ thống điện Việt Nam trong 30 năm qua; và đồng thời cũng nêu rõ nhiều vấn đề thách thức trong vận hành hệ thống điện cùng giải pháp đề xuất cho quá trình chuyển dịch năng lượng Việt Nam.

Năm 2025 sắp tới, vấn đề đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện là một thách thức lớn, vì vậy, ấn phẩm 2024 này đưa ra một số giải pháp đề xuất, chú trọng vào nâng cao năng lực truyền tải, quản lý sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.

Một trong những vấn đề năng lượng nổi bật năm 2024 là vào tháng 11 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam, nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và phát triển bền vững đất nước. Chủ trương này cũng đã được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua.

Vấn đề cần thiết phát triển điện hạt nhân đã được PECC2 nêu bật xuyên suốt qua các ấn phẩm 2022, 2023 và ấn phẩm 2024 này, trong đó có đề cập lộ trình sơ bộ phát triển điện hạt nhân Việt Nam.

Thực hiện: PECC2

Chia sẻ: